Thư viện Video
This div will be replaced by the JW Player.

Chăm lo, hỗ trợ học sinh “phải có chiều sâu, bền vững”
“Có những em khó khăn bước đầu sau đó các em có thể sẽ thích nghi, khắc phục được nhưng có những em lại cần thêm sự quan tâm lâu dài. Hơn ai hết, thầy cô phải tiếp tục thực hiện câu chuyện này. Không phải chỉ 1 chiếc máy tính trao đến là các em đã có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục học”.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo, triển khai chủ động của địa phương, nhà trường, chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, thích ứng với dịch COVID-19, giúp học sinh tiếp cận với kiến thức, chăm lo kịp thời cho học sinh khó khăn ngay từ đầu năm học.

Để thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa tổ chức dạy học, ông yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành, sẵn sàng tinh thần “mở cửa trường học” khi được phép.

Trong đó, lưu ý các tiêu chí an toàn trường học; Phải có kế hoạch, phương án ứng phó với dịch, phương án diễn tập, hỗ trợ kịp thời học sinh trước các tình huống phát sinh liên quan đến dịch; Thường xuyên cập nhật, bám sát tình hình thực tế tại đơn vị theo mỗi thời điểm, để có những chính sách, kiến nghị đề xuất cho đội ngũ, học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng lưu ý các nhà trường phải nắm danh sách giáo viên, học sinh tình nguyện tham gia phòng chống dịch, từ đó dành sự quan tâm sâu sắc, những chế độ, chia sẻ kịp thời đến đối tượng này.

“Ngành giáo dục mong muốn động viên, nhân rộng những gương điển hình, những hành động đẹp của thầy cô, học sinh trong công tác phòng chống dịch, tạo ra tính lan tỏa trong toàn ngành, góp sức vào hiệu quả phòng chống dịch trên địa bàn thành phố”.

Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Sở khẳng định, công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ là cực kỳ quan trọng. Ông yêu cầu công tác hỗ trợ giáo viên không được cào bằng, cần linh hoạt, nhân văn giải quyết khó khăn cho từng trường hợp, làm sao để đội ngũ an tâm công tác, tiếp tục hỗ trợ phòng chống dịch.

Với các kiến nghị về nhân viên hợp đồng tại trường học, lãnh đạo Sở cho biết sẽ nghiên cứu thêm NQ 09 của HĐND TP để hỗ trợ theo đúng chính sách của nhà nước. Đồng thời lưu ý các nhà trường thời điểm này cần cân nhắc trong công tác kêu gọi phụ huynh khi chăm lo cho đội ngũ, học sinh, tránh tạo áp lực cho phụ huynh, gây dư luận không tốt...

Đặc biệt, lãnh đạo Sở nhấn mạnh, các đơn vị cần quan tâm một cách có chiều sâu, bền vững với học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch COVID-19. Việc quan tâm để các em vượt khó, sớm bắt nhịp vào việc học với đầy đủ phương tiện, sách giáo khoa, được chăm sóc, chia sẻ từ bạn bè, thầy cô mới chỉ là bước đầu, chưa phải bền vững.

“Có những em khó khăn bước đầu sau đó các em có thể sẽ thích nghi, khắc phục được nhưng có những em lại cần thêm sự quan tâm lâu dài. Hơn ai hết, thầy cô phải tiếp tục thực hiện câu chuyện này. Không phải chỉ 1 chiếc máy tính trao đến là các em đã có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục học”, ông Dũng nêu rõ.

Với học sinh mồ côi, Phó giám đốc Dương Trí Dũng cho rằng, các em đã gãy 1 trong 3 trục “trường học- gia đình- phụ huynh” nên sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập, cuộc sống. “Thời gian tới nhà trường phải nắm nguyện vọng thực tế, khó khăn cụ thể của từng học sinh để có sự chăm sóc, hỗ trợ đúng mức, kịp thời. Học sinh chịu tổn thương về tâm lý trong dịch thì tổ tư vấn tâm lý từng cơ sở phải kịp thời hỗ trợ”, ông Dũng yêu cầu.

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Tiểu học Phước Tuy
Địa chỉ: Ấp 5, Phước Tuy, Cần Đước, Long An.