Thư viện Video
This div will be replaced by the JW Player.

Giúp giáo viên vượt qua áp lực
GD&TĐ - Áp lực công việc nghề nào cũng có, với tính chất đặc thù, người làm nghề giáo cần tự trang bị kỹ năng, tìm giải pháp hợp lý để vượt qua áp lực.
GD&TĐ - Áp lực công việc nghề nào cũng có, với tính chất đặc thù, người làm nghề giáo cần tự trang bị kỹ năng, tìm giải pháp hợp lý để vượt qua áp lực.
Cô Liễu Thị Long, giáo viên Trường THPT Lục Nam trong giờ dạy.
Cô Liễu Thị Long, giáo viên Trường THPT Lục Nam trong giờ dạy.

Đồng thời cần có môi trường để khuyến khích, tạo động lực cho thầy cô thay đổi bản thân.

Luôn đặt chữ “tâm” trong nghề

Cô Liễu Thị Long, giáo viên (GV) Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang), chia sẻ: Nhiều người ngoài ngành nghĩ GV chỉ có việc lên lớp dạy học. Tuy nhiên thực tế, ngoài công việc chuyên môn, soạn kế hoạch bài giảng, chấm bài kiểm tra, GV còn phải hoàn thiện nhiều loại sổ sách, nhất là với thầy cô kiêm công tác chủ nhiệm. Cùng với đó là thời gian tự tìm hiểu, đào sâu kiến thức để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Áp lực từ phụ huynh và dư luận xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến người làm nghề giáo. Với sĩ số học sinh trên lớp khá đông, việc quản lý học sinh không hề đơn giản. Thời gian ở trường chỉ 4 - 6 tiếng, nhưng nếu học sinh đánh nhau ngoài trường, GV cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, yêu cầu người thầy luôn phải bình tĩnh, mô phạm và bản lĩnh trong mọi trường hợp…

“Điều vô cùng quan trọng là luôn giữ chữ “tâm” khi làm nghề. Với nghề giáo, nếu không có “tâm” sẽ không bao giờ gắn bó lâu dài. Đó là tâm sáng, yêu trẻ, khoan dung với học sinh, người khác. Đó là tâm đức, đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết. Đó là tâm huyết, tận tâm với công việc, làm việc có trách nhiệm. GV luôn đặt chữ “tâm” trong nghề giáo, tôi nghĩ rằng mọi khó khăn sẽ vượt qua” - cô Liễu Thị Long cho hay.

“Nghề nào cũng có những áp lực riêng. Do vậy, bản thân mỗi người cần tự trang bị cho mình kỹ năng, tìm ra giải pháp hợp lý để vượt qua áp lực”. Chia sẻ điều này, cô Liễu Thị Long cho rằng, đầu tiên GV phải có bản lĩnh vững vàng và tình yêu nghề lớn lao; luôn đặt mình trong hoàn cảnh của học sinh, gần gũi, thông cảm, bao dung thì sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với áp lực của nghề.

Cùng với đó, hãy phân chia thời gian làm việc khoa học, sắp xếp cuộc sống hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy; tận dụng sức mạnh làm việc nhóm, tránh ôm đồm quá nhiều việc; sẵn sàng học hỏi từ đồng nghiệp; giữ tinh thần lạc quan, cái nhìn tích cực về cuộc sống…

Là người trải qua cả môi trường công lập và tư thục, cô Trần Thị Hội, GV Trường Olympia, Hà Nội, cũng khẳng định nghề giáo rất nhiều áp lực, nhưng áp lực trước tiên là từ chính mình.

Áp lực vì thầy cô phải là mẫu mực để học trò noi gương; áp lực từ phía học sinh, phụ huynh kỳ vọng về kiến thức chuyên môn vững vàng, ứng xử khôn khéo, linh hoạt; áp lực từ nhà trường, xã hội ở những tiêu chí cao về chất lượng và hiệu quả giáo dục con người.

Để vượt qua các áp lực, theo cô Trần Thị Hội, trước hết người làm giáo dục phải tự tin vào những năng lực tích cực của mình, về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giáo dục. Muốn có được sự tự tin và bản lĩnh ấy, thầy cô cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Có một điều đặc biệt là GV cần sự bao dung và một tư duy “mở”, bởi bản thân học sinh rất tức thời và nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh mới. Do đó, việc dạy học trò, học hỏi đồng nghiệp và chia sẻ, đồng hành cùng học trò vô cùng cần thiết, hữu ích.

“Tuy nhiên, rất cần một cơ chế giáo dục mở từ phía nhà trường, cách nhìn nhận đa diện từ phía phụ huynh học sinh. Bản thân GV muốn thay đổi, muốn đổi mới phải có sự đồng bộ từ nhiều phía, nhất là cộng đồng xã hội; sự ủng hộ và động viên của đồng nghiệp và nhà trường, phụ huynh. Có tư duy mới đã khó nhưng thực hiện cái mới còn khó hơn” - cô Trần Thị Hội chia sẻ.

Tác giả: Hiếu Nguyễn Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/
Trường Tiểu học Phước Tuy
Địa chỉ: Ấp 5, Phước Tuy, Cần Đước, Long An.